Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018

Azerbaijan: Baku, Qabala, Sheki


Tại sao lại chọn Azerbaijan? Đó hoàn toàn là 1 sự tình cờ, khi chính phủ Oman cho dân nghỉ lễ 5 ngày mà chỉ báo trước có 1 tuần (lễ ở Oman nó điên đầu thế đấy mọi người ạ) nên phải chọn nước nào cấp visa cho người Việt nhanh gọn lẹ nhất. Do vậy cuối cùng Thuý quyết định thăm cái xứ từng thuộc Xô Viết cũ này
Chuyến đi của Thuý từ ngày 29/11- 3/12/2017. Lên tripadvisor tìm top đầu 5 công ty tour để email hỏi giá và lịch trình. Sau khi nhận được phản hồi từ họ thì Thuý quyết định chọn Guided Azerbaijan - công ty tour được bình chọn số #1, cho 5 ngày private tour thăm quan các nơi ở Baku, Qabala và Sheki. Tiền vé máy bay, khách sạn và ăn uống phải trả riêng

Để xin visa mọi người chỉ việc xin online sau 3 ngày là có e-visa với lệ phí 24usd/ người. 

Web xin e-visa: https://evisa.gov.az/en
Đây là web chính thức của chính phủ Azerbaijan, ngoài ra cũng có những web khác làm visa với địa chỉ web nhìn na ná web này nhưng mức lệ phí cao hơn. Mọi người nhớ để ý kĩ trước khi xin
Tiền Azerbaijan được gọi là Azerbaijan Manat (AZN). 1 AZN = 13,4k vnd
 Vé máy bay mua trước ngày bay đúng 5 ngày thì chắc chắn không có cơ hội mua giá rẻ của Qatar rồi. Thế nên số tiền bỏ ra cho vé máy bay bằng 1 nửa tiền chi cho cả chuyến đi chơi

 Biểu tượng của sân bay Qatar

Sân bay ở thủ đô Baku của Azerbaijan nhỏ như sân bay Tân Sơn Nhất nhà mình, cũng xuống máy bay đi bộ 1 đoạn là ra quầy làm thủ tục hải quan, xong là đi thang cuốn xuống tới chỗ lấy hành lý luôn. Nó chỉ khác sân bay nhà mình ở chỗ đèn đóm lộng lẫy hơn, sạch sẽ hơn. Xung quanh chỗ lấy hành lý có rất nhiều anh mặc đẹp đứng sẵn với xe đẩy hỏi mình có cần service lấy hành lý không 
 Vừa bước ra khỏi ga đến là 1 giàn xe taxi kiểu Anh Quốc vin tẹc, dễ thương

 Ga quốc nội nằm ngay cạnh ga quốc tế được thắp đèn sáng trưng vào lúc 1h sáng

 Khách sạn Boutique Hotel Baku Thuý đặt cũng vin tẹc nằm ngay trung tâm, đi bộ 600m là đến các nơi cần thăm quan. Các khách sạn ở đây thường là các toà nhà cũ mang 1 chút châu âu và 1 chút Nga được sửa sang và trang trí lại thành các hotel 3,4,5*

 Ở cái thời tiết 10 độ C này thì nhà tắm là nơi ấm áp nhất mọi người ạ vì nó được trang bị hệ thống lò sưởi, các thanh treo khăn tắm lúc nào cũng nóng, đặt khăn lên, tắm xong đang lạnh lấy khăn nóng lau người phê lắm. Rồi sàn nhà lúc nào cũng nóng, đặt chân lên như được mát xa, Thuý là cái đứa lúc nào cũng lạnh chân tay nên Thuý kết cái nhà tắm ở xứ lạnh nhất

Ngày 1: Mountain Park, Old City Baku, Haydar Aliyev Cultural Center, Nizami Street



Nhà hàng ăn của khách sạn được trang trí rất đẹp và sang trọng. Đang mùa đông, trời sáng cũng trễ nên giờ bắt đầu ăn sáng cũng trễ 7:30am. Do đó thời gian bắt đầu thăm quan cũng khá trễ
Mà cái khung cảnh lãng mạn này thì tội gì mà không từ từ nạp năng lượng và thưởng thức bữa sáng mọi người nhẩy 
 Các món cũng khá đa dạng từ các loại bánh mì mặn ngọt....Người Azerbaijan rất chuộng ăn xúc xích và phô mai

 Đủ các loại mứt ăn với bánh mì


10h sáng anh tour guide đến đón đi thăm quan. Nhìn đường xá, nhà cửa, cây cối mà ngỡ như đang ở Châu Âu

 Điểm đầu tiên tham quan trong ngày là Mountain Park - nơi tưởng niệm những người đã mất trong chiến tranh

 Dân Azeri có thể nói họ là dân Thổ, ngay cả bản thân họ khi được hỏi về nòi giống họ cũng trả lời họ là Thổ. Mặc dù trong đất nước không nói tiếng Thổ Nhĩ Kì nhưng họ nghe và hiểu được tiếng Thổ



 1 nhà thờ hồi giáo trong khuôn viên

 Không biết có phải là do Azerbaijan nổi tiếng về trữ lượng khí lớn trên thế giới không mà 1 số nơi Thuý thấy họ hay làm cái tháp như vầy xong bên trong đốt lửa như biểu tượng của đất nước

 Lửa ở đây được người ta nạp khí mỗi lần hết. Có 1 số nơi là lửa cháy tự nhiên từ khí dưới lòng đất lên

 Mountain Park là điểm tuyệt vời nhất để ngắm 1 phần thành phố và Vịnh Baku

 Biển ở đây thuộc về Caspian Sea. Hay người dân còn gọi nó với cái tên: Baku Lake - the largest lake in the world. Vì nó được bao bọc bởi 5 nước: Azerbaijan, Nga, Kazakhstan, Iran và Turkmenistan



 3 toà tháp Flame towers - biểu tượng của thủ đô Baku. 1 trong 3 toà tháp là khách sạn sang trọng Fairmont 

Bên ngoài của 3 toà tháp Thuý cứ tưởng làm bằng kính thông thường hoá nó được làm từ nhiều screen ghép lại nên buổi tối họ mở màn hình cho chạy đủ các kiểu rất đẹp. Và rất nhiều những toà nhà cao tầng khác trong thành phố với hình dáng lạ lùng cũng được thiết kế kiểu màn hình như này

 Điểm dừng chân tiếp theo là Carpet Museum, hình dáng của toà nhà này cũng được thiết kế theo kiểu tấm thảm cuộn tròn lại. Thuý chỉ đứng ngoài chụp hình chứ không vào trong

 Đường phố phía trước Bảo tàng

Người Azeri rất thân thiện nên khi nhìn thấy họ Thuý cũng nở nụ cười và nói câu: Salam. Là đất nước hồi giáo, thay vì nói Salam Alaikum như ở Trung Đông thì họ chỉ nói Salam. Ý nghĩa của câu này có thể tạm dịch là: bình yên sẽ đến với bạn

 Từ đây nhìn lên Flame tower rất đẹp



 Con đường lá vàng
 Chỗ này nhìn giống Venice, cũng có dịch vụ đi thuyền

Điểm thăm quan này cũng chính là Baku Boulevard, chạy dọc theo bờ biển Caspian Sea tầm 26km, anh HDV nói là chính phủ đang có dự định kéo dài con đường này ra thêm nữa

Thuý chưa từng thấy lá cờ nào to như cờ ở Azerbaijan, tung bay phấp phới trong gió biển
1 trong những khách sạn sang trọng nhất ở Baku - Four Seasons Hotel
 Điểm thăm quan chính trong ngày hôm nay là Old Baku
 Như cái tên gọi đây từng là Baku cũ, vị trí nằm ngay giữa lòng thành phố của Baku mới
 Diện tích Old Baku tầm 221,000m2
Đường phố sạch sẽ, nhà cửa có niêm đại rất lâu đời
 Hình ảnh người đàn ông trong trang phục truyền thống ngày xưa và cụ bà chân đeo tất đặc trưng của người Azeri trong cái lạnh ở xứ này
Cửa hàng lưu niệm
 Con đường nhỏ xinh, dưới tán cây cổ thụ là hình ảnh anh chàng đang bày bán đồ lưu niệm trong gian hàng nhỏ đặt ở góc đường của mình
Những toà nhà cổ biến thành các nhà hàng
  được bày trí với những chiếc bàn gỗ xinh xinh ngoài trời
 hay những chiếc bàn trong khung cảnh lãng mạn hơn trong nhà
 hay những gian phòng ấm áp dành cho những nhóm đi đông người
 Caravanserai complex
 Maiden Tower
Thuý quên mất không đi ra đằng trước của toà tháp chụp, nên tấm này chỉ thấy 1 phần của toà tháp thôi. 1 số nhà khoa học cho rằng toà tháp và cả thành phố cổ có niên đại ít nhất từ thế kỉ 12, 1 số khác cho rằng từ thế kỉ thứ 7, đến nay câu trả lời chính xác từ các nhà khoa học vẫn đang bỏ ngỏ
 Đứng từ Maiden Tower cũng nhìn thấy được Flame Towers
Tháp Maiden chụp từ xa, lộ ra 1 phần nữa của tháp ở đằng trước mà Thuý quên không chụp
 Cửa hàng bán đồ lưu niệm lớn nhất trong khu này
 Vừa bước qua cửa vào là thấy các vòm được trang trí bằng nhiều bức tranh đa sắc màu
 Đủ các đồ lưu niệm từ chén bát, tranh ảnh, tượng, đồ tre nứa...
 Mấy món này đều được làm thủ công rất tinh xảo
 Mấy tấm thảm nhỏ xinh cũng được đan bằng tay. Tất cả đều được niêm yết giá rõ ràng và được bán theo giá quy định


 2 bên đường đi trong Old Baku là các cửa hàng bán đồ cổ, bán đầy huy chương chiến tranh, bác nào muốn mua về gắn áo không 😄
Họ cho thuê cả mấy cái nón lông kiểu Nga ngố để chụp hình
 Nhà thờ hồi giáo này cũng nằm trong list thăm quan nhưng Thuý không vào
 1 điều Thuý thích ở Azerbaijan là mèo hoang rất đẹp, lông mượt màng, chúng cứ như là bá chủ đất nước, có mặt khắp mọi nơi, rất dạn dĩ tiếp xúc với người lạ
 Người dân họ cứ thái thịt tươi thế này rồi vứt ra cho mèo. Ôi.... thật là sung sướng 1 kiếp mèo hoang 😂
Năm 1806, Azerbaijan bị chiếm đóng bởi Nga trong cuộc chiến tranh giữa Nga và Ba Tư, nên trên các bức tường thành được đặt rất nhiều khẩu pháo
 Dân số của thành phố cổ này vào thời chiến đó là tầm 7000 dân, và cũng trong thời kì này Baku được mổ rộng ra hơn và dân số cũng tăng lên theo đó
 Tượng nhà thơ Aliagha Vahid. Ai yêu thơ sẽ biết đến nhà thơ nổi tiếng này
 Tiếp đến Thuý đi thăm Museum of Miniature Book cũng nằm trong Old Baku. Bảo tàng được đưa vào hoạt động vào tháng 4/2002
 Những quyển sách ở đây phải cần đến kính lúp mới đọc được
 Tất cả sách ở đây đều do bà Zarifa Solahova thu thập trong suốt 30 năm, gồm 6500 cuốn đến từ 64 quốc qia khác nhau trên thế giới
 Quyển sách bé nhất thế giới (ngay phía trên ngón tay Thuý có cái quyển sách màu cam nhỏ xíu)
 View chụp từ Shirvanshah's Palace
Điểm dừng chân tiếp theo Palace of The Shirvanshah
 Cung điện được xây dựng vào thế kỉ thứ 15 bởi Shirvanshah, được UNESCO mô tả là "một trong những hòn ngọc của kiến trúc Azerbaijjan"
 Shirvanshah's Palace cùng với Maiden Tower và thành phố cổ Old Baku đều được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới vào năm 2000
 Khu phức hợp này bao gồm tòa nhà chính của cung điện, Divanhane, hầm mộ, nhà thờ Hồi giáo Shah, lăng mộ của Seyid Yahya Bakuvi, cổng phía Đông, cổng của Murad, hồ chứa...


 Toàn cảnh Old Baku được bao bọc trong bức tường thành, gồm 2 cổng: cổng Salyan và cổng Shemakha 
 Tiếp theo Thuý dừng chân tại Haydar Aliyev Cultural Center. Trung tâm này được xây dựng bởi kiến trúc sư Zaha Hadid mang 2 dòng máu Anh và Iraq. Toà nhà rộng 57.500m2 và được đặt theo tên của chủ tịch nước Azerbaijan nhiệm kì 1993-2003


 Trung tâm có thiết kế độc đáo, phong cách cong, là nơi tổ chức các sự kiện của đất nước, như Thế Vận Hội Mùa hè....
Các toà nhà với kiến trúc lạ lùng rất phổ biến ở xứ sở này
Phía trước trung tâm
 Thăm quan xong Thuý muốn xem siêu thị ở Azerbaijan như thế nào nên anh tour guide thả tụi Thuý xuống Ganjilik Mall. Theo lời anh nói thì đây là mall to nhất ở Baku
 Ở Oman không có thịt heo nên mỗi lần đi du lịch đâu đó là Thuý chỉ muốn tìm mua thịt heo thôi 😂. Cái xứ này vào siêu thị địa phương mà mong tìm được sản phẩm có đề tiếng anh khó như mò kim đáy biển mọi người ạ. Người Azeri rất ít người biết tiếng Anh, ai biết là họ sẽ đến bắt chuyện với mình bởi vì đơn giản không có nhiều dân Châu Á như Thuý đến thăm cái đất nước này nên họ nhìn thấy mình rất phấn khích. Dù có chộp được người dân bản địa nói được tiếng Anh mà chạy đến hỏi thịt heo nằm chỗ nào chắc dân họ đánh cho vỗ mồm vì người ta là dân hồi giáo, heo được coi là con vật linh thiêng nên không ăn. Chồng Thuý cầm điện thoại tra xem từ thịt heo trong tiếng Azeri viết thế nào, rồi 2 đứa căng mắt lên mà nhìn xem sản phẩm nào có cái chữ như thế 😄😄😄Má ơi...ta nói... tầm 5ph sau Thuý hoa mắt chóng mặt mà vẫn không tìm ra.... nên thôi bỏ cuộc, đi về, hahaha
 Azerbaijan bạt ngàn các loại rượu từ ngoại đến nội. 
Vodka địa phương là rẻ nhất, tính ra có vài chục ngàn tiền việt 1 chai. Mọi người đi nên mua vodka và socola về làm quà. Socola chủ yếu sản xuất tại Nga, Thuý mua mấy loại socola thanh to 100g tính ra chưa đến 30k vnd, đặc biệt có loại socola pha chút rượu ăn ngon lắm
Trong siêu thị họ xay tại chỗ và bán rất nhiều loại nước hoa quả tươi nguyên chất. Thuý mua 1 chai nước ép lựu uống rất ngon
Ga Metro
 Lượn lờ trong mall xong Thuý thử đón tàu điện về Nizami street.  2 đứa đúng 1 lúc trước cái máy mà không mua được vé bởi vì toàn tiếng Azeri, cũng không có quầy thông tin để mua vé tại quầy. Đang đứng loay hoay thì 1 anh chàng rất đẹp trai nói được tiếng anh đến hỏi: "2 đứa mày muốn đi đâu? Đi theo tao." Thế là anh đó dùng thẻ của chính anh, quẹt 2 lần cho tụi Thuý qua rồi còn chỉ tàu nào cho tụi Thuý lên nữa, Thuý gửi lại tiền mà anh đó không nhận. Ôi...yêu con người Azeri biết bao nhiêu, chả bù cho lần đi Ai Cập, ai cũng canh me lột tiền em 😂
 Metro rất cũ, Thuý giơ tên cái ga muốn xuống cho chị đứng bên cạnh để ra hiệu chị đó chỉ dùm khi ga đến trạm
 Giờ này tầm 7h tối, ga rất đông. Tất cả các điểm đến đều cùng 1 giá dù xa hay gần, nên người ta không quan tâm bạn đến ga nào do vậy trước khi ra khỏi ga cũng không cần quẹt thẻ lại như ở các nước khác. Để đi được tàu phải mua thẻ rồi nạp tiền vào thẻ, chứ họ không bán theo kiểu từng chặng. 
 Phía trước 1 ga metro
Mấy ngày ở đây lúc nào đi ngoài đường Thuý cũng căng mắt lên tìm... người phụ nữ xấu, hahaha mà tìm hoài không thấy mọi người ạ 😂. Đạo hồi nhưng họ ăn mặc rất thời thuượng, không trùm đầu, gái nào cũng đẹp, tóc đen, dáng chuẩn, mặt xinh, mũi cao, mắt sâu, ai ra đường cũng trang điểm. Thuý nhìn còn mê nói chi đàn ông con trai. Các anh chàng xứ này sao may mắn thế không biết 😄. 
 Trên đường đi hầu như chả thấy nhà thờ hồi giáo nào, dân cũng không đi lễ mấy. Chả bù cho Oman, cứ vài trăm mét là lại thấy 1 cái nhà thờ hồi giáo. Thuý thích Azerbaijan ở điểm này, thà để tiền đó xây trường học, bệnh viện cho người dân coi bộ được hơn ah
Trên đường đi bộ về Nizami Street
Thuý dùng sim của nhà mạng Bakcell mua tầm AZN20, nghĩ mua 1 sim 2GB là dư dả dùng cho cả 2 đứa rồi, đứa kia muốn xài chỉ việc mở Hotpot thôi, chứ 2GB xài sao cho hết trong 5 ngày, mua 2 sim thì phí quá. Ai dè đâu 1 lúc sao mới biết nhà mạng người ta block hotpot mọi người ạ 😭. Lần đầu tiên đi du lịch Thuý bị vụ này, nhà mạng này khôn thật 😂
 Được anh HDV chỉ nhà hàng này ăn ngon nên vợ chồng Thuý vào ăn thử. Nó nằm ngay Nizami street luôn
 Nhà hàng nằm dưới lòng đất, kiểu thiết kế phía trên là shop bán đồ, phía dưới lòng đất là nhà hàng rất được chuộng ở Azerbaijan
  Phong cách trang trí đẹp mang phần cổ kính
 Thuý gọi 1 phần cơm với gà nhưng lúc mang ra mới biết thì ra không phải gà mà là gan gà, 1 đĩa salad dưa leo cà chua và 1 phần bò beefsteak, 1 ly nước Kompot (nước uống phổ biến của người địa phương được làm từ trái cây) Vị chi hết AZN35,  các bữa ăn trong nhà hàng kiểu như vậy thì thường tầm giá này. Nhưng mọi người biết sao không? Trời ơi nó dở lắm!!!! Phải nói dở kinh khủng luôn á! Lúc nào họ hàng gia đình Thuý cũng bảo Thuý là đứa dễ ăn, cái gì cũng cho được vào mồm nhưng đồ ăn ở đây Thuý chịu thua. Beefsteak không còn được gọi là nấu chín kĩ nữa mà là thành củi khô luôn rồi, gan gà cũng không ngon. Quán này được vote rất cao trên tripadvisor mà làm Thuý thất vọng quá
 Ăn uống xong đi dạo xung quanh Nizami street, tên con đường đi bộ này được đặt theo tên nhà thơ Nizami Ganjavi. Nó không phải chỉ là 1 con đường thẳng mà kiểu là 1 khu nối nhiều con đường nhỏ, thông ra được các con đường lớn khác nhau. Thuý tưởng to nhưng đi bộ 1 chút xíu là hết
Các nhà hàng từ tây đến á, các quán cafe, các thương hiệu shopping nổi tiếng từ châu âu đều có trên con đường này. Không những chỉ có dân du lịch mà cả dân địa phương họ cũng đến đây ăn uống và mua sắm. 10h tối các cửa hàng đóng cửa gần hết. 
Điểm đặc biệt ở những ngôi nhà có niên đại ở Baku là chúng được xây từ đá Lime stone có màu vàng tự nhiên như vậy, chứ không phải xây bằng gạch xong sơn màu vàng lên
Sắp Noel nên trên con đường này có khu chợ đêm bán rất nhiều đồ ăn, đồ lưu niệm, có cả ca sĩ đến biểu diễn

Ngày 2: Mud Volcanoes, Gobustan Rock Mountain, Gobustan National Historical, Fire temple, Fire Mountain

 1 nhà thờ hồi giáo nhìn thấy trên đường đi
Sáng hôm sau là ngày đi thăm quan các điểm bên ngoài thủ đô Baku
 Điểm đầu tiên: núi lửa bùn Mud Volcanoes, hay còn gọi là núi lửa trầm tích. 40% số lượng núi lửa bùn trên thế giới nằm ở Azerbaijan. Đường vào khu này không có biển chỉ dẫn gì cả, xung quanh cứ như sa mạc khô cằn, không có con đường mòn nên nếu không rành khu này thì không biết hướng nào để đi. Nếu đi vào ngày mưa xe rất dễ bị dính vào đầm lầy. Hên Thuý đi đúng hôm trời nắng đẹp, hôm sau thì mưa
 Núi lửa bùn không bao giờ có thể phát điển đến kích thước như núi lửa bình thường được. Cái phát triển to nhất trên thế giới người ta đo được cũng chỉ cao 700m và tràn ra đường kính 10km thôi
 Núi lửa bùn ở đây với đủ kích cỡ từ cái mới hình thành "baby mud volcano"
đến cái to nhất kích cỡ cũng chỉ thế này. Bùn trong miệng núi lửa cứ vài giây lại nổi bong bóng, sôi lên 1 lần nhưng không hề nóng, sờ tay vào nghịch thoải mái
Trước khi ghé Gobustan National Park, anh HDV dừng tại bảo tàng trước để tìm hiểu về lịch sử của nơi này


Tượng minh hoạ người Azeri tn sử sống ở vùng núi Gobustan 
Họ biết săn bắn hái lượm và còn ghi lại các hình ảnh của mình và động vật trên tường


Vườn quốc gia Gobustan nằm cách Baku 64km về phía Tây Nam, được UNESCO công nhận là di sản văn hoá năm 2007
Từ đây có thể nhìn thấy Caspian Sea
Hình vẽ vẫn còn lưu lại đến giờ
Những mẫu xe oto Lada sản xuất từ thời Xô Viết vẫn còn được sử dụng rất nhiều ở Azerbaijan. Xe có kết cấu rất đơn giản, mọi phụ tùng có thể tự mua về thay thế, ngoài ra xe cũng rất nhẹ, chỉ cần sức của 2 người là có thể bê xe từ chỗ này sang chỗ kia 😂
 Những toà nhà có hình dáng kì lạ ở Azerbaijan
 Buổi tối được chạy màn hình với nhiều màu sắc rất đẹp


Chỉ có Baku là phát triển sầm uất, còn đi ra khỏi Baku dân tình, phố xá vẫn còn rất nghèo nàn
 Điểm thăm quan tiếp theo là Fire Temple. Ngôi đền từng được sử dụng như 1 đền thờ Hindu, Sikh (của người Ấn Độ) và Zoroastrian (hoả giáo của người Ba Tư)
  Đền gồm 1 tháp lửa chính ở giữa, xung quanh được bao bọc bởi các gian phòng, được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới năm 1998
Ngọn tháp chính ở giữa
 Ngôi đền nằm trên 1 mỏ khí đốt tự nhiên nhưng giờ đã cạn kiệt, ngày nay người ta dùng khí cấp từ Baku cho đền để duy trì ngọn lửa


 Các gian phòng xung quanh giờ dùng để chứa các hiện vật
 hoặc mô phỏng lại các nghi lễ, phong tục của người xưa









 Ở nhà mình giàn khoan toàn nằm ngoài biển khơi xa, còn ở đây giàn khoan nằm cả trong đất liền, ngay cạnh quốc lộ
 Azerbaijan nổi tiếng là 1 trong những nước có sản xuất lượng dầu lớn trên thế giới

 Điểm tiếp theo: Yanar Dag Fire Mountain
Ngọn lửa ở đây cháy do khí tự nhiên dưới lòng đất bốc lên liên tục,  không bao giờ tắt trong suốt bao nhiêu năm nay
 1 công viên trong thành phố Baku
Thăm quan xong Thuý lên xe trở về lại Baku
Ai cũng đói nên vào KFC trong Boulevard Mall ăn trước khi về lại khách sạn, muốn ăn tương cà tương ớt phải trả tiền thêm. Điểm này ngộ ah 😳. 1 điều Thuý thấy lạ ở xứ này nữa đó là nhà hàng quán ăn không nhiều như xứ mình, ngay cả trong mall cũng chỉ có 1 khu food court nhỏ, không có nhiều sự lựa chọn lắm. Hỏi sao dân tình người ta ai cũng dáng đẹp 😂

Buổi tối là thời gian tự do tham quan, 2 vợ chồng Thuý đi bộ ra Boulevard Park chơi.  Mái vòng bằng kính trong hình là đường hầm để băng qua bên kia đường
Toà nhà đang lên đèn
Lối vào Nizami street từ 1 con phố khác
View chụp từ cây cầu ở Boulevard. Các cặp đôi ra đây nắm tay nhau đi bộ chắc lãng mạn lắm mọi người nhỉ 😄nhưng cái thời tiết này thì nắm tay nhau đi bộ chỉ có chết lạnh thôi, vì Baku còn được mệnh danh là City of Wind mà


Boulevard khi đã lên đèn, 3 toà Flame được khoác lên mình hình cờ Azerbaijan
rồi lại được khoác lên mình màu đỏ tượng trưng cho ngành khí đốt... và cứ thế Flame Towers được biến đổi màu sắc vài phút 1 lần

Chơi ở Boulevard xong, Thuý đón uber đến Port Baku Mall. Nếu mọi người không thích đi Uber có thể gọi số 189 để đi taxi này, ở Azerbaijan taxi không tính theo công tơ mét, họ muốn tính giá sao thì tính thôi, nhưng hãng 189 giá cả phải chăng nhất. Mình gọi điện thoại cho họ nói địa điểm, họ sẽ nói giá luôn, và giá này chắc chắn rẻ hơn giá bắt taxi ở ngoài đường


Trước khi vào Mall nào ở Azerbaijan cũng đều phải scan người và kiểm tra giỏ xách
 Port Baku là trung tâm mua sắm đắt đỏ nhất, được mở ra nhằm phụ vụ cho các expatriates làm việc tại đây
Toàn các thuương hiệu cao cấp như Burberry, LV, Chanel, Dior...
Cái quần mặc ngủ thôi mà 5 triệu rưỡi vnd. Thuý vô đây xem cho biết thôi, chứ chắc chắn là không mua nổi cái gì trong đây 😄
Lượn lờ trong Mall xong về lại Nizami street vào nhà hàng Araz ăn tối. Thuý gọi 1 phần cơm gà sốt cà chua, 1 đĩa salad, 1 ly kompot


và thêm 1 phần cơm gà nướng với khoai tây. Sau bữa tối không hài lòng hôm qua, tối nay Thuý cho đồ ăn Azeri thêm 1 cơ hội nữa xem sao nhưng nó vẫn dở tệ mọi người ạ. Mặc dù nhà hàng này được vote rất cao trên Tripadvisor, tổng hết AZN30. Sau 2 lần thử đều quá thất vọng nên những bữa sau Thuý chỉ toàn vào fast foods ăn 😓
Trên hoá đơn thanh toán tiền có ghi rõ là đã bao gồm 10% phí phục vụ nên Thuý không típ nữa vậy mà anh bồi bàn hỏi thẳng thừng là "tao phục vụ dở lắm hay sao mà mày không típ cho tao?" 😄2 vợ chồng Thuý nhìn nhau xong Thuý bảo với chồng là không còn tiền lẻ nữa. Anh bồi bàn nghe thấy quay lại bảo: "mày cần tiền lẻ hả, tao đi đổi tiền lẻ cho mày". OMG 😱Lần đầu tiên Thuý gặp phải anh bồi bàn quá "có duyên" như vậy nhưng cũng chẳng muốn đôi co làm gì nên sau khi có tiền lẻ Thuý tip cho 2 đồng.
Mọi người thấy sao về tình huống này? Thuý thì thấy khá khó chịu, Thuý không phải là người vô ý tứ nên trước khi đi đã google về văn hoá tip. Người Azeri không đòi hỏi và cũng không mong đợi vào tiền tip, nên mình thích thì tip không thích thì thôi. Mấy hôm nay mỗi lần đi đâu Thuý đều tip, nhưng với hoá đơn đã bao gồm tiền tip trong đó thì không việc gì phải típ nữa cả. Thôi coi như xã hội có người này người kia, không phải người Azeri nào cũng tốt như anh chàng ở ga tàu điện ngầm 😄
Ăn xong Thuý đi bộ vòng vòng đường phố khu trung tâm


Cổng vào ga tàu điện ngầm mà đẹp như cổng bảo tàng Louvre ở Pháp
Ở Baku có 3 trạm tàu điện được thiết kế cổng như vậy nằm ở 3 khu của thành phố tạo thành hình tam giác như mô hình này luôn

Ngày 3: Gabala
Chiều hôm qua ra Boulevard chơi trễ, trời nhá nhem tối nên buổi sáng cuối cùng ở Baku đấu tranh mãi mới ra khỏi cái giường sớm để ra đó chụp chẹp thêm thì trời mưa, kế hoạch phá sản, thế là ăn sáng xong, thu xếp hành lý, ngồi đợi đến 10h anh HDV mới tới đón
 Cảnh 2 bên đường đi Gabala rất đẹp, những ngọn núi không cây cối có phần nhìn giống Oman
1 trang trại bên đường
Ra khỏi Baku là bắt đầu thấy có cây xanh ven đường, đất không còn khô cằn như trong thủ đô nữa

Trên đường đi đến Gabala, Thuý ghé thăm Juma Mosque nằm ở thành phố Shamaki. Theo lịch của người hồi giáo, nhà thờ này được xây vào ngày 743-744. Thuý cũng chả biết tính theo lịch mình là nằm vào khoảng thời gian nào nữa. 
Ở Oman có quá nhiều nhà thờ đẹp và hoành tráng hơn thế này nhiều nên với Thuý nhà thờ này được thiết kế như các nhà thờ thông thuường khác, không có gì nổi bật.
Tiếp tục hành trình đến Gabala, anh HDV dừng lại tại 1 nhà hàng để ăn trưa, món nổi tiếng của quán là BBQ lamb. Thịt cừu là món ăn chính của người hồi giáo cũng giống như món chính của mình là thịt heo. Thuý không thích ăn món này bởi vì mùi của nó ngái ngái nhưng phải nói là nhà hàng này họ chế biến rất ngon, không còn mùi hôi của thịt nữa, lần đầu tiên Thuý chén sạch sẽ món thịt cừu 😂. Vừa ăn vừa nhâm nhi homemade kompot tuyệt vời lắm mọi người ạ. 3 người ăn hết AZN35, Thuý típ cho anh phục vụ 5 đồng thành ra vị chi là AZN40
Người dân vừa ở vừa làm nhà hàng sân vườn. Quán địa phương nên chẳng có bảng hiệu gì cả, ai biết thì vào thôi. Thế mà mùa hè cái sân này nghẹt khách đến ăn, còn mùa đông, họ bày trí những căn phòng nho nhỏ có lò sưởi cho khách bên trong khu nhà họ ở. Thuý chấm nhà hàng này 9/10
Đường làng ở chốn thôn quê mà đẹp và thơ mộng đến lạ thường
Từ Baku đi Gabala tầm 3-4 tiếng nên ngày hôm đó Thuý chủ yếu là ngồi trên xe ngắm cảnh
Đi ngang qua khu rừng toàn lá, anh HDV dừng lại cho chụp hình sống ảo, haha
Anh tour guide tên Murad rất vui tính, trên xe nói cười suốt, đến cánh rừng này còn bảo: mày làm video slo-mo lá rơi up lên instagram đi, tao chỉ cho 😂. Ah phải nói là Em tour guide mới đúng vì em ấy mới có 24 tuổi thôi, nên mấy cái xu hướng teen gì là cập nhật đủ cả
Gần tới Gabala, Thuý dừng chân tại hồ Nour lake chụp chẹp vài tấm cho biết là ở đây có cái hồ, ngoài ra cũng không có gì đặc biệt
Phong cảnh quanh hồ
Thị trấn nhỏ xinh trên đường đi
Điểm chính Thuý cần đến hôm nay là cái ngọn núi phủ tuyết xa xa kia
Sau vài tiếng ngồi ê mông trên xe thì cuối cùng Thuý cũng đến núi Tufandag. Muốn lên đến đỉnh xem tuyết phải đi cáp treo. Giá vé trọn gói lên được đến đỉnh là AZN17. Ngoài ra có thể mua vé theo chặng rời
Mới lên được 1/3 núi đã thấy lác đác tuyết rồi
Càng lên cao tuyết càng nhiều hơn
Hết trạm đầu tiên của cáp treo, xung quanh tuyết đã dày đặc
Không thấy người mấy vì chủ yếu người ta lên hẳn đỉnh chơi tuyết cho đã
Lên cáp treo di chuyển tiếp đến điểm dừng tiếp theo
Trạm dừng thứ 2 có hẳn nhà hàng lớn
và có cả hồ nước to trong nhà hàng
Xung quanh Thuý thấy oto, vậy là có đường để lái xe lên núi 
View toàn cảnh nhà hàng
Đi tiếp lên đỉnh. 1 khoang ngồi được từ 6-8 người
Thông tin về tuyến cao treo
Ngôi làng nhỏ xinh trên núi, cuộc sống của người dân ở đây chắc buồn lắm, cứ như tách biệt với thế giới
Du khách lên đây ngoài ngắm cảnh còn có thể trượt tuyết nữa
Chặng cuối
Nhìn cảnh này tự nhiên Thuý liên tưởng đến Đội Quân Bóng trắng White Walkers trong phim Game of Throne 😂
Mọi người có thấy Bóng Trắng nào trong hình chưa 😄
Tới đỉnh rồi
Tuyết trắng xoá không nhìn thấy đường mà đi luôn
Có cái chòi và bộ bàn ghế trên đỉnh núi, lãng mạn ghê, phủ đầy tuyết nên chả ai đến ngồi
Cô gái xứ sa mạc lần đầu tiên thấy tuyết nên rất háo hức mọi người ạ 😂, chụp hình nhiều đến nỗi cái điện thoại tắt nguồn luôn
Hên 1 lúc sau mặt trời xuất hiện, chứ không là chụp hình không thấy gì xung quanh cả
View toàn cảnh trên đỉnh núi
 Nhờ có nắng mà Thuý mới phát hiện ra xung quanh có núi rất đẹp mà nãy giờ không hề biết 
Trên đây tuyết dày thật nhưng không có gió nên không lạnh lắm, chỉ có tay nghịch tuyết bị ướt mới cảm thấy lạnh thôi
Chơi chán chê 1 tiếng ruỡi đồng hồ xong, Thuý lại tiếp tục hành trình đến Sheki. Tới nơi check in khách sạn xong, ngủ nghỉ sớm thôi chứ cũng không có tiết mục gì tối hôm đó. Khách sạn Thuý đặt là Issam Hotel & Spa, giá AZN60 1 đêm, được miễn phí spa nhưng tắm rửa xong lười nên Thuý không sử dụng. Sảnh khách sạn nhìn thì đẹp vậy đó, nhưng phòng thì hơi cũ. Ở cái thị trấn nhỏ này, cũng không có nhiều sự lựa chọn như ở Baku, mà Thuý chỉ ngủ 1 đêm nên không thành vấn đề
Theo kế hoạch thì tắm rửa xong sẽ đi dạo xung quanh thị trấn tìm đồ ăn, nhưng mới 8h tối nhà nhà đã đóng cửa đi ngủ hết rồi nên kế hoạch phá sản. May lúc nãy Murad tốt bụng dừng lại ven đường mua bánh mì của người địa phương cho ăn thử, rồi cộng với Thuý có đem milo và soup ăn liền ở nhà theo, thế là xong bữa tối, ấm bụng, ngủ lấy sức mai lại tiếp tục hành trình

Ngày 5: Thị trấn Sheki: Albanian Church, Sheki Khan's Palace
9h sáng nhiệt độ ngoài trời chỉ 3 độ C, lạnh tê tái mọi người ạ. Sheki lạnh hơn Baku rất nhiều
Ăn sáng xong xuôi Thuý lên đường khám phá thị trấn xinh đẹp này
Ở Azerbaijan không phải ai cũng sở hữu xe hơi nên xe bus vẫn là phương tiện rất phổ biến của người dân cả ở nông thôn lẫn thành thị
Đường làng nhưng rất sạch sẽ yên bình
Điểm thăm quan đầu tiên trong ngày là làng Kis, để đến được đấy phải đi qua cây cầu phía trước
Dòng sông bên dưới cầu khô cạn chả còn miếng nước nào
Tên ngôi làng được trang trí bằng những viên đá nhỏ ghép lại trên bãi cỏ ngay trước con đường vào làng. Tiếng Azeri gọi là Kis, còn tiếng Anh là Kish


Cảnh vật xung quanh
 Đường làng chỉ nhỏ và gập gềnh thế này thôi nhưng cảnh vật rất yên bình và xinh đẹp
Di tích tiêu biểu của ngôi làng là Nhà thờ Kish, được xây dựng vào thế kỉ thứ nhất
Nó được sử dụng qua nhiều triều đại như 1 nhà thờ thiên chúa, nhà thờ tin lành hay nhà thờ của người da đỏ vào thế kỉ 12, 13
 Đi trong thị trấn Thuý cũng nhìn thấy từ xa cây có quả vàng mà không biết đó là trái gì, Murad bảo là "date"? Date là trái chà là mà. Ở Oman chà là bạt ngàn nhưng có bao giờ có hình dáng và màu sắc thế này đâu. Đến nơi nhìn tận mắt mới biết thì ra là cây hồng ngâm. Lúc sau biết Thuý thích ăn trái này, Murad đi mua cả bịch cho Thuý luôn, em thật tâm lý quá!

Con mèo trong nhà thờ này khôn ghê mọi người, thấy người đến là đi đến sáp vào, Thuý đi 1 bước  ẻm theo 1 bước, dừng lại 1 bước ẻm cũng dừng theo 1 bước, cưng gì đâu
1 số hình ảnh bên trong nhà thờ








1 ngôi làng đối diện làng Kish
Murad quê cũng ở Sheki, sáng hôm đấy Em có hẹn lấy passport nên xin chút thời gian. Trong lúc chờ, 2 vợ chồng Thuý đi dạo xung quanh chụp cảnh phố phường
1 nhà thờ nhỏ xinh khác trong thị trấn
Thuý đi không phải mùa cao điểm du lịch nên không thấy du khách đâu cả
Giờ này dân người ta cũng đi làm hết rồi nên công viên rất vắng vẻ

Lại gặp 1 em mèo hoang trong công viên
Mập múp míp, lông mịn màng

Tìm thấy 1 quán trà, 2 đứa Thuý vào ngồi uống, thời tiết này đúng là không gì bằng bình trà nóng. 1 lúc sau Murad xong việc cũng vào làm tách trà với tụi Thuý. Chốn thôn quê 1 bình trà chỉ AZN1, kèm theo cả 2 hũ đường nhà làm đủ màu sắc. Người Azeri rất chuộng uống đồ ngọt. 1 tách trà nhỏ này Thuý bỏ có 1 viên đường thôi, 2 viên là thấy ngọt sắc cổ rồi, vậy mà Murad quất 1 ly 6 viên. Thuý nhìn ẻm tròn xoe mắt, còn ẻm nhìn Thuý miệng toe toét cười 😄
Điểm dừng chân tiếp theo là Sheki Khan's Palace. Đi thăm cung điện nên con đường dẫn vào cũng phải đẹp lung linh nữa.
Lối vào Sheki Khan's Palace
Cung điện mùa hè được xây dựng vào năm 1797 bởi Muhammed Hasan Khan, gồm 2 tầng, tranh sơn dầu ở bên trong các phòng được sơn vào các thời kì khác nhau của thế kỉ 18
Không được chụp hình khi vào bên trong nên Thuý lấy hình trên internet cho mọi người dễ hình dung
Theo wikipedia công trình trở nên nổi tiếng vì sự xa hoa về nội thất và ngoại thất, toàn bộ các gian phòng ở trung tâm của cả 2 tầng đều được che phủ bởi một bức tranh khảm màu, được đặt trong một khung gỗ lắp ráp mà không có bất cứ chiếc đinh hoặc keo nào. 
Các cửa sổ kính đa sắc màu cũng là 1 điểm tạo nên sự khác biệt cho cung điện, khi ánh nắng chiếu vào, bóng của các ô cửa sổ sẽ in lên tường, lên nền nhà tạo thành 1 bức tranh đa sắc màu rất tuyệt đẹp
Cửa sổ nhìn từ bên ngoài
Các bề mặt trên tất cả các mặt tiền được trang trí bằng các tấm lát hoa và ngói tranh khảm, lấy cảm hứng từ các tác phẩm của Nizami Ganjavi
Trang điểm cho toà cung điện là 2 cây cổ thụ to đến nỗi Thuý đứng ở cuối dinh thự vẫn không chụp hết được
          
Vào mùa hè lá xanh phủ kín cây, nhưng mùa này chỉ còn thưa thớt những chiếc lá vàng sắp rơi thôi
Giữa cái khung cảnh này Thuý ngồi mải mê nhìn mây trời, núi non, cây rừng mà không muốn về
Ngay gần cung điện có xưởng sản xuất đồ mỹ nghệ, Thuý ghé vào xem thử
Ở đây họ chủ yếu làm mấy khung cửa sổ như mấy cái được xây dựng trong cung điện của Vua Khan. Sản phẩm được ghép từ các mảnh gỗ và kính nhiều màu sắc lại với nhau và hoàn toàn thủ công bằng tay
Gía dao động từ vài chục đô đến vài ngàn đô tuỳ kích cỡ
Đây là hình vị kiến trúc sư sáng tạo ra loại cửa sổ này
Khung cảnh bên ngoài xưởng mỹ nghệ
 Khách sạn 5* đẹp nhất vùng là Sheki Palace's hotel cũng toạ lạc gần ngay đấy. Giá lúc Thuý check cũng không mắc nhưng phòng ốc trên hình có vẻ cũ nên Thuý không đặt ở đây
Điểm thăm quan cuối cùng Fazil Labyrinth, phải chui qua cái cửa nhỏ xíu phía trước để vào được bên trong. Murad tranh thủ kiểm tra điện thoại khi 2 đứa Thuý chụp hình
Thuý cũng không biết tại sao nó lại có tên mê cung vì nhìn nó chả giống kiểu mê cung tí nào 😄
Nơi đây được tìm thấy vào thế kỉ thứ 4 trước công nguyên, được dùng cho các nghi lễ bao gồm cả nghi lễ chôn cất cuả người xưa

Mê cung gồm 2 tầng
Giờ chỉ mở cửa cho khách du lịch vào thăm quan
2h trưa đói bụng, vào nhà hàng ngay trung tâm thị trấn để thưởng thức món ăn địa phương
Quán được trang trí bằng gỗ rất ấm cúng, mọi người có thể chọn ngồi bàn ngoài sân hoặc trong nhà, mùa này lạnh ai cũng vào trong nhà ngồi để có lò sưởi
Hoặc có thể chọn những gian phòng gỗ với cửa sổ truyền thống của xứ Sheki
Ánh nắng chiếu qua cửa sổ làm tăng thêm sắc màu cho căn phòng
Thuý gọi 1 phần gà nướng dành cho 2 người ăn với cơm. Còn Murad thì chọn 1 tô soup cho ấm bụng. Gà ở đây họ làm ngon lắm mọi người, như gà thả vườn ở nhà mình chứ không phải gà công nghiệp. Tẩm ướp nướng ngon, trước khi ăn vắt thêm lát chanh là tuyệt vời
Tạm biệt con đường làng yêu thích, Thuý về lại Baku đây
Trên đường đi thấy rất nhiều chỗ bán homemade kompot và trái cây cắt lát phơi khô, trong siêu thị cũng bán rất nhiều kompot, có 2-3AZN 1 chai cả lít, đủ các vị
Về đến Baku mới 7h tối, mà chuyến bay của Thuý về lại Oman tận 2h sáng, để hết hành lý trên xe, tụi Thuý dạo quanh phố xá lần cuối
 Sau khi ngồi uống trà và tám ngẫu cùng nhau thì 11h đêm Murad chở tụi Thuý ra sân bay, kết thúc hành trình
Trong ga đi của sân bay Baku có rất nhiều máy bán hàng tự động với đủ các thứ nước, bánh
và rất nhiều loại cafe mà giá chỉ có AZN1 thôi rất tiện lợi

Vậy là kết thúc hành trình 6 ngày 5 đêm ở Azerbaijan, cảm nhận của Thuý về nước này là: hmmmm... thú thật lúc đầu chọn nó là vì Thuý không còn sự lựa chọn nào khả thi hơn nên cũng không hy vọng có 1 chuyến đi thú vị, mà xác định chỉ là relax trip thôi. Nhưng quả thực nó đã vượt xa hơn những gì Thuý mong đợi, đất nước đẹp, con người xinh, thân thiện, mến khách, tour đặt ưng ý...túm lại cái gì cũng tốt cả, chỉ trừ mỗi điểm là đồ ăn không chấp nhận được 😎dở... quá dở 😎. Hy vọng là do Thuý chưa tìm được nhà hàng ngon chứ không phải vì đồ ăn dở 😄. Dù gì thì đây là 1 nước rất đáng để đi nếu như mọi người đang có ý định thăm quan 1 trong những nước thuộc Liên Bang Xô Viết trước kia.

Hy vọng mọi người đã tìm thấy thông tin bổ ích trong bài viết của Thuý. 
Cám ơn mọi người đã đọc hết bài. 
Chúc mọi người có 1 cuộc sống không ngừng nghỉ khám phá thế giới xung quanh ta 💪



0 nhận xét:

Đăng nhận xét